GIỚI THIỆU
Quảng Ngãi: Người làm nước mắm ở Đức Lợi liên kết để phát triển
Mặc dù có 129 km bờ biển nhưng nghề làm nước mắm truyền thống ở Quãng Ngãi không phát triển mạnh ở các vùng ven biển mà chủ yếu tập trung ở xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức.
Độc đáo lịch sử nghề mắm
Xã Đức Lợi trước đây thuộc tổng Lại Đức, huyện Mộ Hoa, phủ Tư Nghĩa đã có từ đầu thế kỷ 18, do những di dân từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến đây khai cư, lập làng. Họ vừa làm nghề nông vừa làm ra nhiều sản phẩm như nước mắm, mắm cái, cá, mực, tôm, muối đem bán cho các thương lái từ nơi khác đến hoặc tự mình mang đi bán nhiều nơi rồi mua đường, vải, đồ gia dụng về bán cho người dân trong làng.
Bởi vậy, sẽ không ai ngạc nhiên khi ở Đức Lợi dường như gia đình nào cũng có nghề làm mắm lâu đời, có người chỉ làm để phục vụ trong gia đình, có người làm nhiều để đem bán đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Tại xã có khoảng 300 hàm hộ, trong đó có hơn 20 cơ sở chế biến nước mắm nổi tiếng như: Hồng Út, Đức Hải, Phát Hải, Phương Loan, Phát Thu, Bảy Hiền, Yến Phương, Hồng Việt, Khiêm Lan, Hà Hảo… tại làng An Chuẩn và Kỳ Tân. Sản phẩm ở các cơ sở được ưa chuộng nhất là loại nước mắm nhỉ, mắm đục, mắm mực, mắm tôm, mắm chua, mắm cái, mắm ruốc.
Hằng năm, từ tháng giêng đến tháng tư là mùa có gió Nồm (gió Nam), cá cơm, cá nục theo dòng hải lưu lạnh về rất nhiều ở vùng biển Quảng Ngãi. Những người chế biến mắm thường chọn cá cơm than, cá cơm quế làm nguyên liệu. Gần đây, nguồn cá ít dần nên họ phải mua cá từ các nơi trong tỉnh như ở Phổ Thạnh (Đức Phổ), Sa Kỳ (Sơn Tịnh), Nghĩa An (Tư Nghĩa), Bình Đông, Bình Thạnh (Bình Sơn) có khi vào đến Bình Thuận, Ninh Thuận để thu mua cá.

Cá mua về, rửa sạch để ráo nước rồi mới bắt đầu muối cá, cứ ba ang cá là một ang muối. Nếu làm quy mô nhỏ thì dùng lu, thạp làm bằng gốm sứ, phần đáy lu khoét một lỗ nhỏ gắn một ống trúc và bịt kín. Những cơ sở lớn thường sử dụng thùng tô nô có thể chứa được vài trăm ký hoặc hơn tấn cá. Sau 8-10 tháng muối cá mới bắt đầu mở lu hoặc thùng để khuấy đều và cho nhỏ lù để lấy nước mắm nhỉ, đây là loại nước mắm hương vị thơm, nhiều chất đạm, ngon nên có giá thành khá cao. Sau khi rút hết nước mắm nhỉ, thì lấy lượt thứ hai, bằng cách múc mắm đục cho vào túi vải mỏng bỏ vào vỉ tre đem dang nắng để rút nước mắm từ từ, lấy lượt thứ ba thường thì cho ít nước vào nấu mắm sôi lên, sau đó để nguội mới lọc cho đến khi chỉ còn lại xác mắm khô, xác mắm thường dùng làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, người dân còn làm mắm đục là loại mắm được muối từ 7-10 tháng, khi con cá chín rục, cho gậy khuấy đều, sau đó mới rút mắm, nhưng không cần dùng vỉ tre.
Với các làm như vậy, nước mắm Đức Lợi sẽ chuyển màu sau một thời gian sử dụng, nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo, mùi vị thơm ngon và giá cả hợp lý. Mặc dù phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều thương hiệu lớn, nhưng nước mắm Đức Lợi vẫn được người tiêu dùng lựa chọn, vì sản xuất theo phương thức truyền thống, không sử dụng chất bảo quản, phụ gia.Thị trường tiêu thụ của nước mắm Đức Lợi ngày càng được mở rộng. Ước tính, tổng sản lượng nước mắm sản xuất và cung ứng ra thị trường mỗi năm gần 3 triệu lít, doanh thu 20 tỷ đồng, góp phần tích cực vào việc tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Liên kết để phát triển
Khi xã Đức Lợi được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chế biến nước mắm truyền thống vào năm 2009, địa phương đã xây dựng kế hoạch gây dựng thương hiệu chung cho làng nghề nước mắm Đức Lợi, bằng cách quy hoạch khu chế biến nước mắm trên diện tích gần 2 ha để tập trung các hộ chuyên làm nước mắm.
UBND tỉnh cũng đã trao chứng nhận nước mắm truyền thống của xã Đức Lợi là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của năm 2020. Đây chính là yếu tố góp phần quan trọng thúc đẩy làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Đức Lợi phát triển.
Tháng 7/2020, HTX Sản xuất mắm truyền thống xã Đức Lợi được thành lập, thu hút 8 cơ sở chế biến nước mắm tham gia. Giám đốc HTX Sản xuất mắm truyền thống xã Đức Lợi Nguyễn Đình Hiếu cho biết: Khi các cơ sở tham gia vào HTX sẽ được cấp nhãn hiệu, logo do Cục Sở hữu trí tuệ cấp để dán lên sản phẩm, được tập huấn kiến thức để nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm bắt nhu cầu của thị trường…

Khi có đơn hàng, HTX sẽ tập hợp số lượng nước mắm ở các cơ sở cùng tham gia để đảm bảo nguồn hàng chất lượng. Ngoài ra, HTX cũng sẽ tìm nguồn nguyên liệu cá cơm để đảm bảo lượng cá muối mắm. Với 8 cơ sở, lượng cá muối mỗi năm khoảng 48 tấn cá cơm sẽ cho ra 24.000 lít nước mắm cốt thành phẩm.
Là cơ sở lâu năm trong nghề làm nước mắm truyền thống ở địa phương, khi nghe địa phương thành lập HTX sản xuất mắm truyền thống, bà Trần Thị Hải đăng ký tham gia. Bà Hải chia sẻ: “Tôi mong rằng, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thị trường, tạo chỗ dựa vững chắc để nước mắm truyền thống ở địa phương được khẳng định giá trị”.
Phó chủ tịch xã Đức Lợi Lê Văn Tiến tin rằng, việc thành lập HTX sản xuất mắm truyền thống sẽ góp phần tạo niềm tin cho người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị, hiệu quả sản phẩm nước mắm truyền thống. Đây cũng là hướng liên kết phát triển chuỗi du lịch vùng biển kết hợp với du lịch tham quan trải nghiệm trồng rau sạch ở thôn An Mô, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: tổng hợp từ internet
Bài 13. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam
Nước mắm Mười Quý: Khi sức trẻ kết hợp với kinh nghiệm truyền thống và công nghệ
Nước mắm truyền đời (Tập 5): đặc sắc giọt mắm Xứ Quảng
DOANH NGHIỆP