GIỚI THIỆU
Nam Định: Nước mắm truyền thống cần làm thương hiệu
Với bờ biển dài 72 km, có nguồn lợi hải sản dồi dào là điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng sản phẩm của các doanh nghiệp và làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở Nam Định vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết tới.
Làng Ngọc Lâm ở xã Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng) có nghề truyền thống đánh bắt và chế biến hải sản, từ đó, nhiều hộ dân trong làng đã phát triển nghề sản xuất mắm tôm và nước mắm. Làng Ngọc Lâm hiện có khoảng hơn 40 cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình và hoàn toàn làm bằng phương pháp thủ công truyền thống sử dụng nguyên liệu từ nguồn cá cơm, cá nục… dồi dào khai thác từ biển. Cá tươi được trộn đều với muối theo tỷ lệ nhất định rồi cho vào thùng ủ thành chượp ròng rã suốt 12 tháng để làm nên loại nước mắm thơm ngon. Hiện nay, mặc dù các sản phẩm nước mắm công nghiệp tràn lan song nước mắm truyền thống với hương vị đậm đà vẫn được nhiều người lựa chọn.
Làng Sa Châu ở xã Giao Châu (huyện Giao Thủy) xưa nay nổi tiếng với nghề làm nước mắm thủ công truyền thống từ hàng trăm năm nay với những công đoạn sản xuất vô cùng tỉ mỉ.
Nguyên liệu được dùng chủ yếu là cá nục, cá cơm, tép moi còn tươi, không ướp lạnh, không dập nát và phải lựa thời điểm cá béo nhất mới chế biến. Hạt muối cũng được lựa chọn tỉ mỉ, công phu, muối mua vào mùa cuối tháng Tư hết tháng Năm, muối rời hạt nào ra hạt đó, bóng trắng. Đặc biệt, muối cần để trong kho hơn 1 năm mới đem ra dùng được để hết vị chát.
Làng Sa Châu nổi tiếng với loại nước mắm được ví “trong như hổ phách”
Công thức làm mắm thủ công ở đây cũng công phu hơn nhiều nơi khác. Trung bình mỗi yến cá ướp với 1,2-1,3kg muối trong 12 tháng liền cho cá nát hẳn, sau đó cho qua rổ tre lót vải xô vắt ra nước mắm cốt nguyên chất.
Mắm được đổ ra các ang nhôm mỏng, tiếp tục phơi qua nắng để vệt muối trắng nổi trên mặt nước. Những ang mắm trải ra khắp sân, ánh nắng chiếu qua, mùi thơm nhè nhẹ. Nhưng vì nước mắm không được để dính nước, nên mỗi ngày mưa, người dân phải che đậy cẩn thận.
Hiện tại, làng Sa Châu còn khoảng 30 hộ sản xuất, chế biến nước mắm, trong đó có 10 hộ sản xuất quy mô lớn. Các hộ sản xuất chế biến nước mắm tại đây đều được Chi cục Nông Lâm Thủy sản tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận ATTP.
Thị trấn Thịnh Long ở huyện Hải Hậu với cảng cá Ninh Cơ là nơi tập trung các cơ sở hậu cần nghề cá và có đội tàu cá đông đảo nhất tỉnh Nam Định. Chính vì vậy, từ lâu địa phương này cũng là nơi có nghề sản xuất nước mắm phát triển mạnh nhất tỉnh. Có thể kể ra Công ty Cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, Công ty TNHH Vạn Hoa, Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh, Công ty TNHH Cường Là…
Nghề làm mắm bấp bênh, khó mua được nguyên liệu như ý, nhiều lúc cá ngon nhưng thời tiết lại không thuận, giá bán không cạnh tranh nổi với nước mắm pha chế. Chính vì vậy, hiện nay lớp trẻ trong các làng sản xuất nước mắm truyền thống không mấy ai theo nghề. Đó cũng là nỗi trăn trở của nhiều người làm mắm lâu năm.
Bài và ảnh: tổng hợp từ internet
Xem thêm: Cty CP HS Nam Định: Nước mắm Ninh Cơ chiếm trọn lòng tin của người tiêu dùng
DOANH NGHIỆP