Cần thống nhất quy định về ghi nhãn sản phẩm

Ông Nguyễn Thanh Phụng, GĐ Công ty TNHH SX Nước mắm Thuận Hưng (THUAN HUNG CO., LTD)

(VATFI.org.vn) – Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam (VATFI) trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Thanh Phụng, GĐ Công ty TNHH Sản xuất Nước mắm Thuận Hưng, về những ý kiến đóng góp liên quan đến kiến nghị các cơ quan nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống (NMTT); ban hành các  TCVN, QCVN cho NMTT và; công tác của Hiệp hội:

Thứ nhất, việc ghi độ đạm trên nhãn chai nước mắm hiện nay dễ làm người tiêu dùng nhầm lẫn, ví dụ 48-52oN hoặc 32-37oN, chưa kể nơi thì ghi theo protein thô, con số mới nhìn qua thì thấy rất ấn tượng nhưng quy ra đạm thì chưa tới 10oN, tương đương nước mắm loại 2 trước đây. Nên quy định rõ ràng về việc chỉ ghi một giá trọ độ đạm và thống nhất chung, ví dụ 30oN, 35oN, 40oN, 45oN hay 50oN. Độ đạm càng cao thì càng chứng minh đẳng cấp của sản phẩm vì độ đạm càng cao thì tỷ lệ muối ít đi, hương vị thơm ngon hơn. Trước đây phân loại rất rõ ràng như loại 1, loại 2, loại cao cấp, loại đặc biệt và loại thượng hạng. Giá trị thật của nước mắm luôn thể hiện ở độ đạm trong sản phẩm. Và việc xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm nước mắm phải hướng đến việc ghi nhãn thống nhất và ghi ở vị trí để người tiêu dùng dễ nhìn thấy.

Hiệp hội nên có bộ phận kỹ thuật để khi cần, hướng dẫn cho các nhà sản xuất hướng đến việc điều chỉnh độ đạm giữa các hội viên vừa thống nhất vừa tương đương nhau để khi ghi nhãn tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng và xây dựng hình ảnh NMTT.

Thứ hai, việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: cần dựa vào thực tế sản xuất ở các DN lớn công suất từ 1.000 tấn trở lên chứ không nên dựa vào điều tra khảo sát các hộ sản xuất ở quy mô nhỏ chỉ vài trăm tấn nguyên liệu mỗi năm, nhưng cũng cần đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các nhà sản xuất nhỏ cũng như ngành sản xuất NMTT. Tức là xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phù hợp với các quy mô sản xuất khác nhau. Nếu bắt buộc các hộ sản xuất nhỏ phải áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật như các DN lớn thì họ không thể làm được. Và Hiệp hội cần có tiếng nói về vấn đề này khi đóng góp ý kiến cho việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Thứ ba, việc kiểm tra hàm lượng histamine trong nước mắm thì có thực trạng trong sản xuất đã xảy ra là nếu cá nguyên liệu mua về ở thời điểm sáng, trưa, chiều thì sản phẩm ra có sự khác nhau về hàm lượng histamin;  và cùng một mẫu nước mắm đưa đi kiểm ở các trung tâm xét nghiệm thì cho kết quả có sự chênh lệch lớn, thậm chí vượt ngưỡng và dưới ngưỡng cho phép. Việc lấy mẫu phải hợp tác với các nhà sản xuất lớn thì mới cho kết quả chính xác mang tính đại diện. Nên xem xét có cần thiết phải đưa vào ghi nhãn hay không khi hàm lượng chất này trong sản phẩm là thấp, không đủ gây nguy hiểm cho người dùng và từ trước đến nay chưa thấy nói ai bị dị ứng hay ngộ độc histamine trong nước mắm cũng như chưa có nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của histamine trong NMTT đối với sức khỏe con người. Nếu cần thì chỉ ghi nhãn cho sản phẩm xuất khẩu và do DN tự làm theo yêu cầu của thị trường, và cần công bố thông tin các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn về kiểm tra chất này.

Thứ tư, Hiệp hội nên xem xét vận động các hộ sản xuất nhỏ ở cùng một địa phương ở khu vực miền Trung liên kết với nhau hoặc với DN lớn để đưa ra thị trường sản phẩm ghi nhãn chung là sản phẩm của Hiệp hội NMTT VN và tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đó để người tiêu dùng được sử dụng những loại nước mắm chất lượng 10-15oN hoặc cao cấp hơn tùy theo nhu cầu của mình. Đó cũng là cách để xây dựng hình ảnh cho NMTT.

Một bình luận về “Cần thống nhất quy định về ghi nhãn sản phẩm

  1. Nguyễn Mạnh Dũng bình luận:

    Cần bám sát quy định ghi nhãn của nhà nước để đưa ý kiến lên trang web của Hiệp hội phù hợp hơn.
    Từ trước đến nay có quy định nào về ghi hàm lượng histamine trên nhãn của sản phẩm nước mắm không? Nếu có nên dẫn nguồn. Nếu không có thì đưa lên đây làm gì????!!!!!

  2. Nguyễn Mạnh Dũng bình luận:

    Điểm 7.2 của tcvn 5207:2028 cũng đã ghi rõ quy định ghi nhãn cho nước mắm bán lẻ và không bán lẻ. Cụ thể ghi nhãn cho sản phảm bán lẻ là “Chỉ tiêu chất lượng chính: Hàm lượng nitơ tổng số (tính theo g/l) và hàm lượng nitơ axit amin (theo phần trăm so với hàm lượng nitơ tổng số).” Với quy định này thì việc ghi nhãn đã được quy đinh khá rõ ràng và hợp lý rồi.

Bình luận bài viết

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02024-12-31T23:59:592025-01-19T22:31