GIỚI THIỆU

Nồng nàn hương nước mắm truyền thống Bình Định

Bình Định có hai thủ phủ nước mắm truyền thống là Đề Gi và Tam Quan. Nước mắm truyền thống ở địa phương này có màu vàng rơm, hương vị đậm đà, thanh sắc, thơm ngon mà không có chất phụ gia, hóa chất.

Không ngẫu nhiên mà nước mắm truyền thống Bình Định chỉ tập trung ở Đề Gi và Tam Quan, bởi hai vùng đất này có bờ biển trải dài, sản lượng đánh bắt thủy sản đem lại nguồn lợi kinh tế trọng điểm cho huyện Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn.

Nước mắm Đề Gi tiếng lành đồn xa

Từ quốc lộ 1A, rẽ qua đường ĐT633 xã Cát Hanh, huyện Phù Cát và đi khoảng hơn 20km là đến làng nghề nước mắm Đề Gi ở xã Cát Khánh cùng huyện. Làng nghề nước mắm Đề Gi gồm thôn An Quang Tây và An Quang Đông, có hơn 300 hộ dân chế biến nước mắm truyền thống thủ công. Những hộ gia đình làm nghề nước mắm truyền thống Đề Gi đã tồn tại trên 100 năm, trải qua 3, 4 thế hệ trong gia đình, truyền từ đời trước sang đời sau, cứ thế tiếp nối lưu giữ nghề nước mắm đến tận bây giờ.

Làng nghề nước mắm Đề Gi (ảnh: internet).

Ở làng nghề nước mắm Đề Gi thơm ngon nổi tiếng nhất là nước mắm của bà Sáu Lơn. Nước mắm của bà được tiếng lành đồn xa, nhiều người ghé mua nước mắm bà về làm quà quê hương tặng bạn bè, người thân mỗi khi có dịp đi qua Đề Gi.

Ngôi nhà nhỏ của bà nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ, bên trong chứa hàng chục thùng phi mắm đủ loại kích cỡ khác nhau đều đựng mắm từ loại bình dân đến loại thượng hạng, kèm giá bán theo chất lượng sản phẩm.

Lọc nước mắm tinh khiết (ảnh: internet).

Sáu Lơn là tên mà người dân trong làng thường gọi bà Nguyễn Thị Cúc. Bà là thế hệ thứ ba trong gia đình làm nghề nước mắm truyền thống. Bà Cúc chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề nước mắm đã qua ba đời, nước mắm Đề Gi thơm ngon là nhờ con cá tươi và muối đúng trọng lượng vừa muối làm con cá không lạt, không mặn. Nguyên liệu chính vẫn là cá nục hoặc cá cơm, sau khi muối cá xong chờ 10 tháng sau mới có nước để lọc mắm”.

Nói về đặc trưng của nước mắm Đề Gi, bà Cúc cho biết: “Mắm Đề Gi có màu vàng ươm, vàng rơm, thơm ngon, thanh khiết, mùi vị hương thơm đậm đà không có hóa chất, chất bảo quản hay chất phụ gia tạo vị. Bởi vậy người tiêu dùng trong cả nước rất ưa chuộng loại nước mắm này”.

Ngày thường gia đình bà có thể bán trung bình 20-30 lít, vào dịp giáp tết số lượng tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba vì nhiều khách hàng mua số lượng lớn vận chuyển đi khắp cả nước. Tùy theo chất lượng loại mắm sẽ có giá thành khác nhau, loại bình dân là 60-70 ngàn/lít, loại thượng hạng 120 ngàn/lít, loại nhỏ lù 150 ngàn/lít, thậm chí có người mang sang Nhật vì họ rất thích hương vị đậm đà của nước mắm Đề Gi.

Nước mắm Tam Quan mang vị đậm đà của biển

Tam Quan là thủ phủ nước mắm của thị xã Hoài Nhơn, có trên 50 cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhỏ tập trung nhiều ở các xã phường ven biển như Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Hảo. Tất cả đều gói gọn thành tên quen thuộc là nước mắm Tam Quan.

Nước mắm Tam Quan nổi tiếng thơm ngon, hương vị đậm đà khác biệt với những nơi khác. Nói về hương vị nước mắm Tam Quan, ông Hồ Thiên – Chủ cơ sở nước mắm nhĩ truyền thống Hưng Hải tại thôn Phụng Du 2, phường Hoài Hảo chia sẻ: “Để có giọt nước mắm tinh khiết, thơm ngon thì yếu tố quyết định vẫn là con cá tươi ngon, cá vừa đánh bắt lên bờ đưa liền vào thùng ướp với muối, không đựợc rửa nước ngọt vì nếu rửa qua nước con cá sẽ bị vữa chảy nước không thể tạo ra nước mắm thơm ngon đặc trưng”.

Chắt chiu từng giọt nước mắm sau nhiều tháng chờ đợi (ảnh: internet).

Mắm Tam Quan rất thơm ngon, mùi vị đậm đà, thanh khiết mang hương vị biển của cá, nước mắm màu vàng như màu nắng sớm mai rực sáng. Màu vàng đó là màu tự nhiên của con cá muối trong một thời gian dài kết tinh lại, không phải là màu của hóa chất, phụ gia hay chất bảo quản. Nên những giọt nước mắm được chắt lọc từ nguyên liệu cá và muối là những giọt mắm tinh túy, tinh khiết, thanh nhã của biển cả tạo thành.

Sản xuất nước mắm theo quy trình kiểm nghiệm chặt chẽ (ảnh: internet).

Ông Thiên cho biết thêm: “Làm nước mắm trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu làm muối, ướp cá rồi chờ đợi 8 tháng sau mới lấy được nước mắm. Sau đó phải lọc nước mắm, đưa mắm vào chai và tiếp tục những công đoạn hậu kỳ để tạo ra một sản phẩm nước mắm hoàn hảo đến với người tiêu dùng”.

Nhưng để nước mắm truyền thống vươn xa hơn ngoài không gian nhỏ bé của những ngôi làng ven biển thì các hộ gia đình hay các cơ sở sản xuất nước mắm đã bắt đầu tiếp cận mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm bằng cách thành lập công ty hay chứng nhận nhãn hiệu độc quyền.

Ông Hồ Thiên chia sẻ: “Nghề truyền thống làm mắm của gia đình tôi đã trên hai mươi năm. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc, chúng tôi quyết định mở Công ty TNHH Hưng Thịnh Đạt để đưa thương hiệu Hưng Hải vươn ra trong và ngoài nước để mọi người biết nhiều hơn về nước mắm truyền thống Tam Quan. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng đưa nước mắm truyền thống Bình Định giới thiệu rộng rãi trên thị trường cả nước và tạo động lực thúc đẩy kinh tế biển Bình Định phát triển trong tương lai”.

Nước mắm truyền thống Bình Định đang dần khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng cùng sức lan tỏa thương hiệu trên thị trường cả nước. Với những tâm huyết, tình  yêu nghề trong mỗi gia đình người dân làm nghề nước mắm truyền thống thì Bình Định vẫn mãi là thủ phủ nước mắm truyền thống mang hương vị đặc trưng quê hương miền biển mà không nơi nào có được.

Nguồn: báo Tài nguyên môi trường.

Người giữ thương hiệu Nước mắm Tam Quan

Làng mắm trăm tuổi ở Đề Gi

Nước mắm làng biển Đề Gi

Nhiều sản phẩm nước mắm truyền thống có tên trong nhóm OCOP vươn xa

Lễ hội vùng biển: Bài 12. Lễ hội Cầu ngư Vạn Đầm Xương Lý ở Bình Định

Nước mắm truyền đời (Tập 5): đặc sắc giọt mắm Xứ Quảng

‘Yêu kiều’ mấy ‘loài’ mắm An Dũ

Món nổi tiếng Bình Định ngày bán nghìn chiếc ở Hà Nội, khách muốn ăn phải chờ

 

DOANH NGHIỆP